Theo Bà Y Thôn nguyên là cán bộ quản lý trường mầm non của huyện Đăk Glei, hiện nghỉ hưu ở thôn 14B, xã Đăk Pek kể: Ngày trước, làng ở sườn đồi, bốn bề núi cao, địa hình chia cắt phức tạp, đi lại khó khăn, song chính vì vậy mà có nhiều con suối, khe sâu, ấy là nơi mang lại nguồn cá, tép, ốc, cua...
Cá tươi bắt lên, cách dùng bình thường nhất là bỏ vào nồi nấu, hoặc là kho mặn với muối; ngon và “sang” hơn khi trộn với bắp chuối, thân chuối non thái mỏng, măng tươi, hay lá mì... Những khi cá nhiều, các mẹ các chị phơi nắng hay đặt trên giàn bếp cho khô, để mang lên rẫy, hoặc ăn trong thời gian lâu hơn. Từ các món ăn dân dã với cá, ngày trước, các gia đình ở làng tập hợp lại kinh nghiệm nấu nướng, làm nên món cá giã tiêu rừng (ka klauh grong gro), thường để mang đi rẫy hoặc ăn vào những ngày mưa rất tiện lợi.
Theo bà Y Thôn, có thể dùng cá tươi, hoặc cá đã phơi khô để làm ka klauh grong gro đều được. Trước tiên, cá được làm sạch, nướng bếp than cho chín, gỡ xương ra, lấy thịt, sau đó đem giã, rồi trộn với ớt, tiêu, xả trước khi rang khô, thành một món thơm ngon rất “đưa cơm”.
Từ món ka klauh grong gro ngày trước, bây giờ, bà Y Thôn cũng làm món cá giã, nhưng không chỉ để ăn trong gia đình, mà còn trở thành “ý tưởng khởi nghiệp”, và bước đầu đã thành món ăn dân dã được không ít người ưa thích.
Để làm món “hàng hóa” này, thay vì cá suối ngày càng trở nên ít ỏi và hiếm hoi, gia đình bà Y Thôn đã dùng một loại cá biển phổ biến là cá nục (nục gai, nục suôn). Cá nục nhiều thịt, dễ gỡ xương, vị ngọt đậm đà, nguyên liệu sẵn có và không cao. Vẫn theo cách làm truyền thống, cá nục tươi đã qua một nắng được đặt mua về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định... là nguyên liệu chính, cùng với các gia vị, gồm hành, ớt, tiêu, xả. Đáng chú ý, để làm món này phải dùng tiêu rừng. Có hai loại tiêu rừng là loại hạt to và loại hạt nhỏ, phải dùng đúng loại tiêu rừng hạt nhỏ “grong gro” mới ngon, mang hương vị đặc trưng.
Làm cá giã đơn giản, nhưng để ngon và đảm bảo vệ sinh, trước hết, nguyên liệu phải tươi, ngon. Cá nục một nắng mang về được rửa lại cho sạch trước khi nướng than cho vừa chín. “Điểm đáng chú ý là từ thịt cá đến tất cả các gia vị, từ hành, ớt, đến xả, tiêu đều phải được giã riêng từng mẻ cối, trước khi được trộn vào giã chung” - Bà Y Thôn “bật mí”. Theo bà, làm như vậy, mới giữ được mùi vị riêng của từng loại và tạo thành hương vị “đặc biệt” sau khi trộn với nhau. Công đoạn cuối cùng, là sau khi giã chung, hỗn hợp cá cùng các nguyên liệu được rang trên chảo cho se khô lại, để nguội, đóng gói và dùng.